Nỗi niềm “bi đát” với cân nặng
Ăn mỗi bữa cũng phải ngon lành hết 3 bát cơm, lại tăng cường “luôn miệng” thêm ăn nhiều quà vặt hằng ngày, lúc thì bát lục tào xá, lúc lại cái bánh giò, khi thì vài cái bánh quy, lúc lại hộp sữa, khi thì gói đậu phộng, lúc lại vài quả ổi…Bao nhiêu là thực phẩm hằng ngày “vào dạ dày” thế mà cân nặng của Thủy vẫn chả nhỉnh thêm là bao. Một năm nay, mặc dù Thủy đã cố gắng ăn uống thật nhiều nhưng vẫn chỉ tăng thêm nửa kg. Với chiều cao 1,60m, Thuỷ muốn mình phải vượt qua con số 43 kg nhưng dường như mọi nỗ lực của Thủy có vẻ khó khăn đấy!
Duy Trường, 17 tuổi lại khác. Sở hữu chiều cao lênh khênh 1,73m mà cân nặng chỉ có 46kg nên Trường cứ bị bọn lớp trêu là cây rau má. Trường quyết tâm cải thiện cân nặng của mình bằng việc cố gắng ăn uống thật nhiều hằng ngày, thậm chí ăn cả bữa phụ trước khi trèo lên giường đi ngủ. Mãi vẫn chưa thấy cân nặng của mình nhỉnh lên, Trường lại sốt ruột giục giã mẹ mua cho một số thuốc bổ và thực phẩm chức năng để uống. Gần một năm trời rồi mà cân nặng của Trường cũng chưa vượt được con số 47 kg. Chả hiểu vì sao nó vẫn không chịu nhúc nhích mới lạ chứ?
Bạn không nhỉnh cân, do đâu?
* Khả năng hấp thụ thức ăn “có vấn đề”
Thực tế, có nhiều teen ăn uống bình thường vẫn tăng cân vùn vụt. Trong khi đó có một số teen cố gắng ăn như đắp vào người mà cân nặng vẫn chả thèm nhúc nhích? Như vậy là khả năng hấp thụ thức ăn của những bạn đó thực sự “có vấn đề” rồi đấy.
Nếu muốn cải thiện được nghi vấn này, chúng mình phải chú ý tới những lần đi đại tiện nhé. Vì khả năng hấp thụ thức ăn thể hiện rõ trong việc tiêu hóa thức ăn như thế nào đấy. Nếu nhân nào thuộc trường hợp này thường bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống, phân lỏng, táo bón, đi nhiều lần trong một ngày… Bạn cần điều chỉnh ngay bằng men tiêu hoá để cứu cánh cho việc tăng trọng lượng cân nặng của mình nhé.
* Quá trình chuyển hoá cơ bản gặp “trục trặc”
Sau khi loại trừ được nghi vấn thứ 1 thì rất có thể “vấn đề không tăng cân” ở bạn thuộc vấn đề số 2 này rồi. Cũng khó gỡ rối lắm đấy!
Bạn biết đấy, chuyển hóa cơ bản là số năng lượng tiêu hao được dùng cho các hoạt động tối thiểu của cơ thể như tim đập, phổi thở….Tất nhiên tùy theo cơ địa mỗi teen mà quá trình chuyển hóa này không giống nhau, có người cao, có người thấp. Trung bình mỗi người cần 1.200 - 1.400 kcal/ngày. Số năng lượng này phần nhiều sẽ tiêu tốn vào các hoạt động và một phần dành cho chuyển hóa cơ bản. Những nhân có qúa trình chuyển hóa cơ bản cao sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, do đó thường sẽ gầy hơn những nhân có chuyển hóa cơ bản thấp.
Thói quen ăn ngủ “lộn xộn” của teen
Nếu như bạn để ý, bạn sẽ thấy những người mà cân nặng khó nhúc nhích lên được lại là những người có thói quen ăn uống phi khoa học nhất. Điển hình là bệnh ăn quà vặt mọi nơi mọi chốn, hay chê ăn những thực phẩm có nhiều chất béo và ngọt - là nhóm cung cấp nhiều năng lượng nhất mỗi ngày.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên mất ngủ, ngủ không đủ giờ giấc, ngủ ít… cũng là nguyên nhân khiến bạn mãi vẫn chỉ nhàng nhàng. Bạn biết đấy, khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, chuyển hóa cơ bản ở mức thấp nhất sẽ giúp cải thiện thêm trọng lượng cơ thể đấy.
Một số bệnh tật không “trời ơi đất hỡi”
Không “trời ơi đất hỡi” đâu teen ạ mà đó là những bệnh có liên quan mật thiết đến hô hấp như bệnh viêm họng, viêm amidan; những bệnh thuộc đường tiêu hóa như dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng... hay những người bị rối loạn chuyển hóa nội tiết… cũng là những nghi vấn tạo nên một cơ thể gầy guộc khó lên cân cho bạn. Bạn biết không, khi cơ thể đang sở hữu những bệnh này thì quá trình chuyển hóa cơ bản thường cao hơn, vì thế, năng lượng tiêu hao sẽ nhiều hơn.
Nhỉnh thêm cân nặng, có khó không?
Vấn đề xem ra cũng khá rắc rối đấy teen muốn tăng cân ạ. Nếu như bạn muốn sở hữu thêm vài kg nữa thì bạn phải tìm bằng được những nghi phạm khiến cho bạn khó tăng cân cơ. Nếu vẫn chưa cải thiện được tình hình trọng lượng, lời khuyên tốt nhất lúc này là bạn phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được đo chỉ số chuyển hóa cơ bản (BMR) và có hướng điều trị nhé.