Mi cứ quằn quại suýt xoa, tay liên tục đấm vào sau lưng, tay lại xoa bụng, đôi mắt cứ sụp xuống khiến cô bé không thể nào tập trung học bài. Nguyên nhân cũng chỉ vì chu kỳ "đèn đỏ" vài ngày nữa là đến hẹn.
Chịu không nổi, nghe một cô bạn mách nhỏ uống chút rượu cho người nóng lên sẽ khỏi, thế là Mi nằng nặc đòi mẹ rót cho một ít, trong ánh mắt ngạc nhiên của mẹ. Thế là cả buổi sáng hôm đó, cô con gái cứ khua tay, nói lảm nhảm cả buổi. Những ngày sau, mỗi sáng mẹ phải khó khăn lắm với kéo được Mi ra khỏi giường để kịp đi học vì người cô bé cứ ì ra không buồn nhúc nhíc. Em gái của Mi cũng phát hoảng với chị vì sơ suất chút là sẽ ăn cáu.
Cũng không kém Mi, Ái Vân, một nữ teen lớp 10 thì cứ sắp đến "những ngày ấy" lại dở chứng thèm ăn quà vặt suốt ngày. Lúc thì bịch bánh tráng cay, ô mai, cóc muối đủ thứ. Khi nào không có cái gì nhấm nháp thì bứt dứt khó chịu. Có khi tốn cả vài chục ngàn tiền ăn quà. Sau giờ tan trường, trong lúc chờ mẹ tới đón, Vân còn tranh thủ mua thêm vài bịch để dự phòng vào buổi tối.
Đã thế những chú mụn cá đáng ghét thì cứ thi nhau nổi loạn khiến Vân mất cả tự tin đến lớp. Không chỉ vậy, "chị nguyệt san khó tính" còn thường xuyên thay đổi các kiểu "khủng bố" khiến Vân nhiều phen hú vía. Có lần, cô gọi lên bảng mà bụng Vân cứ thóp lại vì đau, chân thì cứng đơ, không sao bước nổi khiến cô giáo la ó mà cô bé không sao giải thích được.
Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ và còn đánh dấu vào cuốn lịch nhỏ, nhưng những ngày đèn đỏ không ít lần làm Minh Thu một học sinh cuối cấp phát hoảng.
"Bình thường, em chỉ thấy đau bụng lâm râm, người dễ nổi cáu một chút. Nhưng lần này thì không thể tưởng tượng nổi. Sáng ngủ dậy, người mỏi nhừ không nhấc nổi, trán nóng rừng rực, thấy người khác hẳn, tưởng đâu bị bệnh thì ra chị nguyệt san ghé sớm tận hai ngày, chiếc mền mỏng ở dưới thì đã ướt nhẹp. Ôi! Sợ quá", Thu than thở.
Đối với nhiều bạn, lần đầu được "chị ấy" ghé thăm thì bối rối đến tội nghiệp, tưởng như phải chịu đựng kiếp nạn khủng khiếp như chưa bao giờ gặp phải. Tuy nhiên, dù đã quá quen thuộc hay còn bỡ ngỡ thì phần lớn các bạn đều chẳng lấy gì làm dễ chịu và tìm cách đối phó trong những ngày này.
Theo bác sỹ chuyên khoa Ngô Hữu Lộc, đau đầu, nóng sốt, đau bụng, cáu gắt... là một trong số rất nhiều biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt xuất hiện trong thời gian 7 - 10 ngày trước khi xuất kinh. Đây là hiện tượng sinh lý thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên đối với những bạn trẻ trong thời gian đầu gặp phải, hiện tượng này sẽ gây ra nhiều phiền phức và có cảm giác khó chịu hoặc sợ hãi, song chúng sẽ tự mất đi sau khi bắt đầu hành kinh.
Ở độ tuổi dậy thì, những triệu chứng này có thể thường xuyên thay đổi và sẽ đi vào ổn định trong thời gian một hai năm. Trong những ngày này, các bạn nên thư giãn thoải mái, ăn uống bình thường, nên tập thể dục nhẹ nhàng. Đặc biệt nên giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, có thể kết hợp uống sữa đậu nành với một số vitamin A, D, B6. Nếu quá đau thì có thể sử dụng một viên giảm đau như Paracetamol. "Trong trường hợp có biểu hiện bất thường thì nên đi khám bác sỹ để được tư vấn cụ thể", bác sỹ Lộc lưu ý.